Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 4h ngày 4/10, tâm bão số 7 ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam. Đến 4h ngày 5/10, tâm bão ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Chiều 3/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bàn biện pháp ứng phó với bão số 7 đang diễn biến hết sức phức tạp trên biển Đông.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các biện pháp đối phó trước hiện tượng mưa ngập, lũ quét. Thực tế cho thấy trong những cơn bão xảy ra gần đây, thiệt hại về người chủ yếu đến từ tình trạng mưa ngập, lũ quét và ngay cả việc chủ quan trong việc chằng chống nhà cửa, cây cối, nước dâng ở các ngầm, trên đường ngập…
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào đất liền, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong khoảng chiều ngày 5 – 6/10. Mưa kèm bão có thể diễn ra trước và sau vài tiếng, trên diện rộng khắp miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ.
Công tác ứng phó với cơn bão hiện tập trung vào việc kiểm đếm, thông báo cho tàu thuyền. Lực lượng biên phòng đã thông báo và hướng dẫn cho hơn 48.000 tàu với gần 240.000 người.
Phó Thủ tướng nhận định, bão số 7 còn diễn biến phức tạp, có thể mạnh lên và di chuyển nhanh hơn. Vì vậy cần nêu cao tinh thần cảnh giác ngay từ xa, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là các lực lượng liên quan tiếp tục thông tin, kêu gọi và yêu cầu các phương tiện, nhất là đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, các tỉnh duyên hải tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ. Các địa phương cần đẩy nhanh việc thu hoạch những trà lúa chín, kiểm tra an toàn hồ, đập, đê điều…
Phạm Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét