Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

“Nhập” công nghệ câu từ Trung Quốc, nguy cho cá ngừ Bình Định - Lao động


Lạm dụng đèn cao áp…


Toàn tỉnh Bình Định có 2.300 phương tiện đánh bắt xa bờ thì nghề câu cá ngừ đại dương đã chiếm tới 1.500 chiếc, mang lại sản lượng 9.041 tấn năm nay (tính đến 15.11.2012). Cá ngừ Bình Định vốn thuần nhất về phẩm cấp và được khách hàng ưa chuộng cho tới khi nhiều chủ tàu gạt bỏ lối đánh bắt bằng vàng câu truyền thống để chạy theo những giàn đèn cao áp nhập ngoại. Ông Văn Công Việt ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn – người cùng lúc làm chủ 2 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương – cho biết: "Cá câu đèn bị đầu nậu chê ỷ chê ôi. Giá từ 137.000 đồng/kg cách đây không lâu, đã liên tục bị đánh rớt, nay chỉ còn 85.000 đồng, chưa bằng ½ giá cá đánh bắt theo kiểu cũ".


Câu đèn, kỹ thuật khai thác mang màu sắc tận diệt của người Trung Quốc, được một số ngư dân vùng Tam Quan "nhập nội" hồi 2011. Đó là cách sử dụng giàn đèn cao áp công suất từ 1.000 W/bóng trở lên, để dẫn dụ cá. Chỉ cần 100 – 150 triệu đồng là đủ cho một chiếc tàu trang bị đồng bộ giàn đèn khoảng 20 bóng cùng máy phát điện. Theo lão ngư Nguyễn Văn An (thôn Tân Thạnh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), “công nghệ” mới này giúp nâng sản lượng đánh bắt lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trong khi thời gian mỗi chuyến đi biển rút xuống còn 20 – 25 ngày thay vì 30 ngày như trước. Khỏi phải nói, những làng chài Bình Định đã bị "mê hoặc" ra sao. Cho đến nay, cơn sốt lắp đặt đèn cao áp đã kịp "phủ sóng" toàn bộ đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở địa phương, góp phần tạo ra "kỳ tích sản lượng" như trên đã nói.


Tâm lý ăn xổi ấy giờ đang bắt đầu trả giá. Cá ngừ đại dương Bình Định đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu từng khó nhọc gây dựng lâu nay và nhận lấy sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng ngư dân các tỉnh bạn. Ngư dân Văn Công Việt cũng buộc phải thừa nhận điểm yếu chí tử của sản phẩm do mình làm ra: "Chất lượng khác hẳn. Con cá xẻ ra, màu sắc hoặc đỏ bầm, hoặc nhợt nhạt chứ không đỏ tươi như cá câu vàng; đã vậy, lại có vị chua".


Và nước đá kém chất lượng


Sau 30 năm cung cấp đá lạnh cho ngư dân bằng nguồn hàng lấy ngay tại Quy Nhơn, từ đầu 2012 đến nay, bà Hồ Thị Tỵ  – người cung cấp đá cho khoảng 30 tàu đánh bắt xa bờ – phải lặn lội vô tận Tuy Hòa, Phú Yên, lấy đá. "Ở Phú Yên, các nhà sản xuất chạy 12 giờ/ ca đá loại nhỏ, 24 giờ / ca đá lớn, còn tại Quy Nhơn, các xưởng đá cứ đều đều mỗi ngày đêm cho ra tới 3 lượt sản phẩm" – bà Tỵ giải thích. Anh Cao Hoài Bổn – chủ tàu BĐ – 91012TS – phân biệt: "Đá Phú Yên lớn khổ, chắc cây, giữ được nhiệt độ bảo quản cho hầm cá suốt cả chuyến đi. Đá Bình Định vừa nhỏ, vừa rỗng ruột, ra biển chừng 15 ngày là tan hết. Không đủ lạnh, hỏi sao cá không xuống cấp".


Trả lời PV Lao Động, bà Mai Kim Thi – Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định – cho biết: "Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào làm cơ sở để đề xuất khuyến cáo nên hoặc không nên sử dụng đèn cao áp đánh bắt cá ngừ đại dương. Chúng tôi chỉ có thể lưu ý ngư dân chú trọng khâu sơ chế; huy động nhiều nhân lực hơn nhằm giảm thiểu tối đa việc va đập lên thân cá; khuyến khích thay thế đèn dây tóc bằng đèn bóng mờ… Còn về chất lượng đá bảo quản, đây là lĩnh vực do ngành y tế quản lý".


Ths Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Nghề câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp mới xuất hiện đã có nguy cơ đe dọa đến sự phát triển bền vững của nghề câu cá ngừ truyền thống. Cá đánh bằng phương pháp này chất lượng rất kém và hầu hết đang ôm trứng. Vùng biển ngư dân đang câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp có thể là bãi đẻ. Đề nghị Tổng cục Thủy sản cần có quy định cấm ngư dân câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp, đồng thời có quy chế quản lý bãi đẻ của cá ngừ đại dương tại vùng biển Việt Nam.

Source Article from http://laodong.com.vn/Kinh-doanh/Nhap-cong-nghe-cau-tu-Trung-Quoc-nguy-cho-ca-ngu-Binh-Dinh/92493.bld



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét