Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ hạn hán nặng - Sài gòn Giải Phóng


(SGGPO).- Ngày 6-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã công bố nhận định về tình hình khô hạn ở ba khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ trong mùa khô năm 2012-2013. 

Năm nay mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ đã kết thúc sớm, các tỉnh Trung bộ ít có các đợt mưa lớn, tổng lượng mưa trong các tháng đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Riêng trong 2 tháng chính (tháng 10 và 11) của mùa mưa, tại khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, tổng lượng mưa thiếu hụt tới 70-90% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, hiện nay các sông đều cạn.

Dòng chảy trung bình tháng trên hầu hết các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên đều nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 45-50%, một số nơi còn nhỏ hơn tới 70% như tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Ngay cả dòng chảy trên sông Mê Kông cũng luôn thiếu hụt hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-40%.

Cũng do ít mưa nên cho đến cuối tháng 11-2012, các hồ chứa thủy lợi trên hầu hết các tỉnh Trung bộ đều thiếu hụt 20-50%, Tây Nguyên thiếu hụt 10-15% so với dung tích thiết kế, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thiếu hụt tới 60-80%. Các hồ chứa thủy điện ở Trung bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ cũng đều thấp hơn mức dâng bình thường từ 1-6m, riêng hồ A Vương (Quảng Nam) thấp hơn: 32m, Cửa Đạt (Thanh Hóa): 21m.

Trong khi đó, hiện tại mùa mưa lũ tại khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Tây Nguyên và Nam bộ đã kết thúc. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Thuận đang ở thời kỳ cuối mùa và không còn khả năng xảy ra mưa lũ lớn.

Trước tình hình trên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, trong các tháng mùa khô năm 2013, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn từ 40-50%, khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ tại một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Độ mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung bộ. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào đất liền từ 40-60km.

 PHÚC HẬU

Source Article from http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2012/12/306052/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét