Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Bị cáo Phạm Thanh Bình nói lời xin lỗi sau cùng


Luật sư của bị cáo Trần Quang Vũ nêu, khi phá dỡ để bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, bị cáo không có động cơ vụ lợi. Bị cáo được quyền quyết định tài sản dưới 900 tỉ đồng. Sau khi bán, bị cáo dùng số tiền đó để trả lương cho CBCNVC và đầu tư sản xuất kinh doanh.

Số tiền tòa sơ thẩm bắt bị cáo phải bồi thường là không phù hợp vì phải tính khấu hao của con tàu từ khi mua về cho đến ngày bị phá dỡ. Hơn nữa, việc con tàu bị đắm, Cty Nam Triệu đã phải trả chi phí trục vớt tàu lên, chi phí nhân công… cũng lấy từ tiền bán vỏ tàu sau này, nên bắt bị cáo phải chịu chi phí đó là không hợp lý, đề nghị HĐXX chuyển sang tội danh sử dụng trái phép tài sản.

Bị cáo Trịnh Thị Hậu được luật sư bào chữa cho rằng bị cáo được quyền cho vay tín chấp và bảo lãnh vốn vay tại ngân hàng cho dự án Nhiệt điện Sông Hồng và đầu tư tàu Bình Định Star. 

Vị công tố viên đại diện VKSNDTC tại tòa đã phản bác các luận điểm của các luật sư.

Theo đó, bị cáo Trịnh Thị Hậu đã giải ngân tiền trước khi dự án được HĐQT Cty Hoàng Anh thông qua (dự án NM Nhiệt điện Sông Hồng) và trước khi được Hội đồng quản lý Cty VFC (Cty Tài chính CNTT thuộc Vinashin) phê duyệt quyết định cho Cty Bình Định vay, là vi phạm quy định. Sau đó, tàu Bình Định Star bị ngân hàng phát mại, Cty Bình Định không có khả năng trả nợ, VFC mất vốn đầu tư. Ở dự án Nhiệt điện Sông Hồng, Hậu còn cho Cty này "nợ" chứng từ, để sau đó Hoàng Anh đã đưa chứng từ khống bù vào.

Tại dự án mua tàu Hoa Sen, dự án chưa hoàn chỉnh, nhưng khi bị ép ký bảo lãnh, Hậu vẫn ký, nên phạm tội tiếp sức với Phạm Thanh Bình. Việc mua tàu trái với chỉ đạo của Chính phủ, tòa sơ thẩm nhận định việc áp dụng tội danh cố ý làm trái với bị cáo Trịnh Thị Hậu là hoàn toàn có căn cứ, không oan.

Với bị cáo Trần Quang Vũ, tội danh tòa sơ thẩm áp cho bị cáo là đúng. Bởi vì, chính bị cáo Vũ là người ký hợp đồng vay với VFC 106 tỉ đồng, tài sản thế chấp là tàu Bạch Đằng Giang. Sau đó, dù chưa được phép của tập đoàn, Vũ vẫn tự định giá phần vỏ tàu là 66 tỉ đồng rồi bán cho Cty Hoàng Thành (hiện Cty này mới trả hơn 50 tỉ đồng). Số tiền bán vỏ tàu không đem trả VFC, theo đại diện VKSNDTC nhận định, là tội cố ý làm trái, không có căn cứ chuyển tội danh khác.

Tại tòa, đại diện VKSNDTC cũng tranh luận với các luật sư về vấn đề giám định và kết luận giám định, việc các bị cáo đồng phạm, việc tính bồi thường thiệt hại…

Khi được nói lời sau cùng trước giờ nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Phạm Thanh Bình đã xin nhận trách nhiệm các sai phạm trước Đảng, Chính phủ, nhân dân và xin lỗi đã không thực hiện được nhiệm vụ được giao, cũng như phụ lại sự tin tưởng do Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó.

“Trước CBCNVLĐ của tập đoàn, tôi xin nhận lỗi vì đã không thể đưa con tàu Vinashin cập bến bờ thành công. Tôi xin lỗi anh em bị cáo ở đây đã vì tôi mà phải chịu vòng lao lý” – bị cáo Bình nói.

Bị cáo Bình cũng xin HĐXX xem xét các tình tiết về nhân thân gia đình, giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự (bồi thường hơn 500 tỉ đồng – PV) vì không phải do bị cáo trực tiếp thực hiện, hơn nữa các công trình này vẫn đang thực hiện, không thất thoát.

Bị cáo Trần Văn Liêm, Tô Nghiêm, Nguyễn Văn Tuyên, Hoàng Gia Hiệp, Trịnh Thị Hậu đều xin được nhận sự khoan hồng của pháp luật, xin giảm nhẹ hình phạt tù và mức bồi thường dân sự.

Dự kiến, chiều nay tòa sẽ tuyên án.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét