Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Về miền đất võ Bình Ðịnh


Bình Định, nơi biển xanh dạt dào sóng vỗ, nơi những bãi cát trải dài thơ mộng và những tháp Chàm u huyền cổ kính rêu phong. Bình Ðịnh xưa là cố đô của Vương quốc Chăm-pa, nay còn lại là những di sản văn hóa vô giá. Tháp Dương Long còn đó, độc đáo và uy nghi; Tháp Cánh Tiên như đôi cánh nàng tiên đang bay lên trời xanh; tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít, tháp Ðôi, tháp Phú Lốc… 14 tháp Chăm chia làm tám cụm, là 14 tác phẩm tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ. Những hình khối, đường nét của những tòa tháp ấy hiện lên, vừa khỏe mạnh, tinh tế mềm mại, vừa huyền ảo, kỳ bí. Những cụm tháp Chăm Bình Ðịnh đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, đó là sự dung hòa hoàn hảo của phong cách nghệ thuật Chăm-pa. Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bình Ðịnh Huỳnh Cao Nhất cho biết: “Sự kết hợp chất liệu sa thạch và gạch nung đã làm nên sự khác biệt của hệ thống tháp Chăm ở Bình Ðịnh so với những quần thể tháp Chăm khác trên cả nước”. Những tòa tháp Chăm, những viên ngọc quý lung linh tỏa sáng trên vùng đất Bình Ðịnh này đã trở thành di sản trong kiến trúc cổ Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Tây Sơn – Bình Ðịnh còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của huyền thoại Tây Sơn, mở ra một trang sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Hơn 200 năm đã trôi qua, nhưng những dấu ấn của triều đại Tây Sơn vẫn còn hiển hiện nơi Thành Hoàng đế, Ðiện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, đền thơ Ðô đốc Bùi Thị Xuân… Bình Ðịnh có tới 234 di tích lịch sử, trong đó có hơn 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu và khách du lịch.

Bình Ðịnh lắm duyên với thi sĩ. Gọi Bình Ðịnh là mảnh đất của văn chương thi phú cũng không phải quá lời vì nơi đây đã nuôi dưỡng và phát triển tài năng của những nhà văn hóa, nhà thơ lớn như Hậu tổ tuồng Ðào Tấn, Xuân Diệu. Nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu” gồm bốn thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn cũng gắn liền hồn thơ với một vùng “trời văn” này…

Bình Ðịnh còn là quê hương của các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như Bài chòi, Tuồng, là nơi có các lễ hội mang đậm nét đặc trưng văn hóa địa phương như: lễ hội chiến thắng Ðống Ða, lễ hội Chợ Gò, lễ hội làng rèn Phương Danh, lễ hội Ðổ Giàn, hội đánh Bài Chòi cổ Bình Ðịnh.

Trời đất hữu tình dường như muốn dành cho Bình Ðịnh một sự ưu ái rất riêng. Một bên là núi non trùng điệp, một bên là biển rộng bao la, đây là nơi giao hòa giữa đồng bằng và đồi núi, sông suối và biển cả… Chính bản giao hưởng của non nước ấy đã tạo nên một vùng đất mang dáng sơn kỳ thủy tú. Ðó là hồ Núi Một, gành đá Lộ “diêu, suối khoáng nóng Hội Vân, thắng cảnh Hầm Hô, Núi Bà – Hòn Vọng Phu… Với 134 km bờ biển trải dọc phía đông của tỉnh, bao gồm nhiều vũng, vịnh, đảo và bãi tắm đẹp mang vẻ hoang sơ như Bãi Xép, Bãi Dài, Hòn Khô, Ðảo Yến, Quy Nhơn, Ghềnh Ráng…, Bình Ðịnh có điều kiện rất lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, leo núi, lặn biển và nghỉ dưỡng.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung nâng tầm một số lễ hội mang đậm nét đặc trưng văn hóa Bình Ðịnh, nhất là Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động quảng bá và tạo các sản phẩm mới cho du lịch. Khi đến Bình Ðịnh, khách du lịch sẽ được biết đến một tinh thần thượng võ anh hùng, được thưởng ngoạn những màn biểu diễn võ thuật, nhạc võ Tây Sơn đẹp mắt, tinh tế chỉ có ở miền đất này. Võ cổ truyền Bình Ðịnh là sự kết tinh, hòa quyện giữa các dòng võ, phái võ khác nhau như võ của người bản địa, võ từ Bắc Hà vào… tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Nhạc võ Tây Sơn là môn phái võ thuật đặc biệt, với sự kết hợp giữa tinh thần thượng võ và âm nhạc cổ truyền, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Nhạc võ Tây Sơn khai thác triệt để âm thanh phát ra từ những chiếc trống, là bản giao hưởng hùng tráng hừng hực hào khí Tây Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, một khách du lịch đến Bình Ðịnh lần đầu chia sẻ: “Tôi đã đi một số tỉnh ở miền trung, biển miền trung rất đẹp nhưng cũng không khác nhau nhiều. Ở Bình Ðịnh thì khác, ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển, tôi còn được xem thi đấu võ và đi tham quan rất nhiều lò võ cổ truyền mà lâu nay chỉ nghe chứ chưa thấy bao giờ”.

Theo Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bình Ðịnh Huỳnh Cao Nhất: “Hiện tỉnh đang xây dựng một hình ảnh du lịch gắn với võ thuật để khi khách du lịch đặt chân đến Bình Ðịnh là cảm nhận được một không khí võ trọn vẹn. Từ việc liên kết với các khách sạn sẵn sàng mở những lớp dạy võ tự vệ hay rèn luyện sức khỏe khi khách có nhu cầu, đến việc mở tua tham quan các chi phí, võ đường lớn, thành lập các sàn đấu võ đối kháng ở các huyện để du khách có thể chứng kiến, cảm nhận được hơi thở của đất võ, yêu hơn truyền thống thượng võ của dân tộc. Mỗi lần tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền, chúng tôi cố gắng để lại trong lòng khách du lịch một ấn tượng không thể phai mờ và mong muốn được khám phá vùng đất hấp dẫn này thêm nhiều lần nữa”.

Với sự nỗ lực và tâm huyết của ngành du lịch, mong rằng võ thuật sẽ trở thành thương hiệu, là cầu nối quảng bá rộng rãi hơn nữa về một Bình Ðịnh mến khách. Bình Ðịnh đẹp mộc mạc, hoang sơ như thúc giục, mời gọi những ai chưa tới. Những bí ẩn về miền đất võ sẽ còn theo du khách đi xa, xa mãi…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét