Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

"Chất nghệ sỹ" trong... Già làng Bana


Đó là cụ Phan Chí Thành (85 tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số Bana, ở làng Trà Hương, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định).

Những ngày cuối thu, chúng tôi tìm về làng Trà Hương, một vùng miền núi còn nghèo nạn, hoang sơ ở tận cùng phía Tây huyện Phù Cát. Hỏi thăm đường về nhà cụ Thành chẳng mấy người lại không biết tiếng tăm, tài hoa chơi nhạc và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của cộng đồng người Bana nơi này.

Ông Thành không chỉ chế tác nhiều loại nhạc cụ mà có thể chơi được hơn chục loại đạo cụ.

"Có phải ông Thành, người mà đi đâu trên lưng cũng đem theo một cây mác và bộ sáo đó không? chú quay lại chừng hơn 100m nữa, ngôi nhà mái ngói đỏ kia, trước cổng nhà có nuôi con khỉ đó là nhà cụ Thành. Ở đây ai mà không biết về biệt tài chơi đàn, thổi sáo nhất cả vùng này". Đó là cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi được nghe về cụ Thành qua lời khen mộc mạc từ một cậu bé ở cái nơi núi rừng hoang vu.

Đúng như lời kể, đến nhà cụ khi đó cũng đã trưa, cụ Thành đang loay hoay sửa lại cây đàn T'Rưng đã lâu năm ít dùng đến nên nhiều ống trúc, ông tre đã bị mối mọt ăn hỏng. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về các loại nhạc, ông Thành niềm nở tiếp chuyện, vừa nói chuyện ông vừa lấy từng loại nhạc cụ ra giới thiệu và biểu diễn từng nhạc cụ với một phong thái đầy ngẫu hứng.

Ông là người duy nhất của người dân tộc thiểu số ở Bình Định làm và chơi được nhạc Cổ vũ.

Vốn sinh ra ở một vùng quê núi rừng của huyện Phù Cát, tuy chẳng phải là con nhà "nòi" nhưng ông lại có máu nghệ thuật, sớm được tiếp xúc với nhiều nhạc cụ đàn, sáo từ tre trúc của cộng đồng người dân tộc thiểu số Bana nên đã ngấm vào chất máu nghệ sỹ của mình. Hơn 10 tuổi, ông Thành đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: Cồng chiêng, đàn Bơ-răng, Bơ-ró, Bơ-lá (ống sáo), đàn Hơ-đoong (như đàn cò) chỉ một dây, Tơ-thiếp (tù và), đàn T'Rưng, …

Lớn lên khi đất nước đang chiến tranh, ông lại tham gia kháng chiến nhưng cho dù chiến tranh ác liệt đến đâu, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng tình yêu, niềm đam mê nhạc cụ vẫn luôn đi bên ông. Những lúc rảnh là ông đem đàn, sáo thổi cho cuộc sống thêm lạc quan, yêu đời và nhạc cụ trở thành niềm đam mê vô tận như món ăn tinh thần không thể thiếu. Ở cái tuổi 85 nhưng niềm đam mê ấy vẫn còn theo ông đến suốt đời bởi dù lúc lên rẫy hay ở nhà khi nào rảnh ông lại đem đàn, sáo ra chơi.

Ông Thành đang sửa lại đàn T'Rưng.

Vừa say sưa kể ông vừa ôm cây đàn Bơ-răng, sau khi so dây, chỉnh lại âm thanh ông bắt đầu chơi bản nhạc "Tình yêu" do ông sáng tác cho đàn Bơ – răng. Đôi bàn tay nhăn nheo vì tuổi già vẫn uyển chuyển, lướt nhẹ lên từng sợi dây đàn, tiếng đàn trầm bỗng vang lên có lúc nghe như dồn dập, có lúc lại trầm lắng nhẹ nhàng nghe như tiếng của núi rừng từ ngàn xưa lại vọng về.

Ông Thành cho biết: "Loại đàn này, bầu đàn được làm bằng trái bầu khô, cần đàn là một ống nứa to trên đó có 12 dây. Loại đàn này chỉ chơi trong những dịp đám cưới, mừng lúa mới, lễ hội, cúng Giàng. Đối với người đồng bào, trong các ngày lễ, ngày hội thì không thể thiếu các loại nhạc cụ này được, nó trở thành một nét văn hóa truyền thống của dân bản cũng như của dân tộc. Trong lao động sản xuất, cũng như hát xoan, hát đối đáp của miền bắc thì tiếng cồng chiêng, đàn, sáo của người đồng bào sẽ giúp bà con xua tan hết những mệt nhọc…".

Không chỉ có chơ các loại đàn mà ông còn thổi được nhiều loại sáo do ông tự chế.

Không chỉ chơi thông thạo nhiều đạo cụ nhạc của người dân tộc Bana và một số dân tộc khác, ông Thành còn có khả năng chế tác đạo cụ nhạc rất hoàn hảo. Ngoài chơi và chế tác các đạo cụ ông đang sở hữu ông còn tự tay làm nên một loại đàn rất độc đáo mà ông gọi là đàn Cổ vũ (bề ngòi giống cái mõ). Loại đàn này, được làm bằng gỗ xương mộc, hay gỗ lim, có kích thước khoảng 0,8 m x 0,4 m, dáng hình thang, giống chiếc mõ của người Kinh. Bên trong đục rỗng ruột. Hai bên, mỗi bên có 3 núm được bố trí theo hình tam giác. Núm trên to, 2 núm dưới nhỏ hơn, để khi chơi, cùng vị trí 2 bên các núm, tạo ra 4 âm thanh chuẩn khác nhau.

Ông Thành cho biết: "Trong chuyến tham quan ở một bản làng ở phía bắc tôi đã biết được đạo cụ này, sau khi về tôi mô phỏng lại, tìm gỗ làm theo. Tuy nhiên, để tạo nhạc cụ này không phải dễ, trên thân gỗ to, chỉ tạo rãnh khoảng 2 cm trên đỉnh Cổ vũ. Từ rãnh này đục âm trong lòng khúc gỗ, rộng ra hai bên, để có âm thanh chuẩn thì khi đục tạo độ rỗng bên lại càng khó hơn, đòi hỏi người làm nó ngoài đam mê cần phải có cái tai tinh tế cảm thụ âm thanh…".

Theo ông Thành, loại nhạc cụ này thường có tiết tấu: nhanh, trung bình, chậm. Bởi người xưa khi cùng nhau săn thú trên rừng, khi phát hiện con thú, khi chạy thì tiếng Cổ vũ có tiết tấu nhanh, thúc giục mọi người tiến về phía trước tiếp cận con thú. Hay khi có con cọp bắt heo nhà, con voi phá rẫy thì tiếng Cổ vũ lại càng dồn dập, mạnh mẽ thúc giục để đuổi thú rừng, bảo vệ tài sản dân làng...

Không chỉ có chơ các loại đàn mà ông còn thổi được nhiều loại sáo do ông tự chế.

Với nhạc cụ Cổ vũ, ông Thành là người đầu tiên trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Bình Định sáng chế và chơi được loại nhạc cụ này. Có lẽ vì vậy mà ông Thành đạt được nhiều giải thưởng trong những lần hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa trong tỉnh. Đặc biệt, trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 11, năm 2011, tại huyện Vĩnh Thạnh, ông Thành được khen tặng: "Nghệ nhân cao tuổi tài năng và Nghệ nhân độc tấu nhạc cụ xuất sắc nhất".

Một người đam mê, chơi và chế tác nhiều loại đạo cụ nhạc dân tộc nhưng ông lại đang lo lắng rồi mai này thế hệ con cháu có còn ai chơi và nhớ đến nó nữa. Vẫn say sưa đắm chìm trong tiếng nhạc rồi ông dừng lại thở dài, tay cầm ly rượu đế nhấp một ngụm với vẻ mặt đầy tâm trạng ông Thành tâm sự: "Lớp trẻ trong làng bây giờ khác rồi, chúng không thích chơi nhạc cụ dân tộc mình, chúng nghe nhạc giật gân trên tivi. Chỉ khi nào có lễ hội, hội làng thấy lớp trẻ cùng nhau đánh cồng chiêng mà thôi…".

Doãn Công



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét