Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Miền Trung tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ


* Thêm nhiều đợt dư chấn nhẹ tại Sông Tranh

(SGGP).- Sau khi dâng cao ở mức báo động (BĐ)2, BĐ3, đến chiều ngày 8-10, lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung và Tây Nguyên đã đạt đỉnh và bắt đầu rút. Ngay khi lũ rút, người dân cùng chính quyền các địa phương đã tập trung khắc phục hậu quả đo đợt bão, lũ gây ra.

Gần 10.000 hộ dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai được sơ tán đã trở về nhà và được các lực lượng bộ đội, dân phòng, thanh niên tổ chức sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa nhằm sớm ổn định cuộc sống. Ngành giao thông vận tải các địa phương đã huy động nhân lực, thiết bị tiến hành khắc phục những đoạn đường bị sạt lở nhằm sớm thông tuyến; đặc biệt là các tuyến giao thông tại các huyện miền núi của Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đợt bão lũ vừa qua đã làm cho 1 người chết (Đắk Lắk), 1 người mất tích (Quảng Nam) và 1 người ở Bình Định bị thương. Hơn 500 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hại; 455 ha lúa, hoa màu bị ngập úng.

Cùng ngày, ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn có thủy điện Hố Hô hoạt động tại xã Hương Hóa đã được yêu cầu thông báo xả lũ trước 24 tiếng khi mưa lũ diễn ra.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, trong đêm 6-10 và rạng sáng 8-10, trên địa bàn huyện Bắc Trà My xuất hiện ít nhất 5 đợt dư chấn nhẹ kèm theo tiếng nổ. Vì động đất xảy ra đúng thời điểm mưa lớn, lũ trên sông Tranh nên người dân huyện Bắc Trà My hết sức lo lắng. Để ứng phó với sự cố xấu nhất có thể xảy ra, UBND các xã và huyện Bắc Trà My đã thành lập các đội, tổ xung kích ứng phó với động đất và lũ tại địa bàn khu dân cư cũng như xác lập các điểm di dân khi có sự cố xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cơn bão số 7 gây mưa nhiều tại huyện Kbang và thị xã An Khê, khiến nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về ào ạt ở hai huyện Ia Pa, Krông Pa. Công trình thủy lợi Ayun Hạ cùng lúc xả 2 cửa lũ từ đêm 7-10 đã gây ngập úng hàng chục nhà dân và thiệt hại nhiều diện tích hoa màu tại nhiều xã của huyện Ia Pa.

Tại Đắk Lắk, đặc biệt là huyện Ea Súp, nơi được xem là "rốn lũ" của tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn đã gây ngập lụt gần 500 nhà dân, gần 2.000ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, hàng ngàn gia cầm và nhiều ao cá bị ngập, cuốn trôi, một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, tổng thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ đồng. 

NHÓM PV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét