Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Chuyện ghi được ở Giải điền kinh VĐQG 2012: Chuyên nghiệp kiểu ...


Chung kết 100m nam - Ảnh: NAM HẢI

Đây là giải đấu quy tụ đến 416 vận động viên của 42 đoàn điền kinh thuộc các tỉnh, thành, ngành như: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Nội, Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quân đội, Bộ Công an v.v..

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên cho nhiều người có mặt trong những ngày này tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia ở chỗ, dù có ý nghĩa là giải đấu cao nhất hàng năm của ĐKVN nhằm làm cơ sở cho việc tuyển chọn những VĐV xuất sắc nhất của quốc gia hướng đến mục tiêu SEA Games 2013 và Asian Games 2014 nhưng không hiểu sao, các nhà tổ chức rất thờ ơ, thậm chí có phần xem nhẹ công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sự kiện thể thao này đến với đông đảo khán giả hâm mộ môn thể thao "nữ hoàng".

Thật vậy, khác với các lần tổ chức ở những địa phương khác, nếu như các nội dung ném đẩy và nhảy sào được đưa sang thi đấu ở sân phụ nhằm tránh làm hư mặt sân bóng đá thì ở sân chính diễn ra các cuộc đua tài hai nội dung chạy và nhảy, có quá ít khán giả – vốn là những quan chức, HLV và VĐV tham dự giải, ngồi trên khán đài rộng mênh mông để dự khán.

Nhiều người cám cảnh trước sự việc này đã cho rằng, tại sao các nhà tổ chức không thể có những giải pháp như cấp một ít tiền để học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học ở khu vực nội thành Hà Nội được theo chân các thầy, cô giáo môn giáo dục thể chất đến xem các tài năng điền kinh của đất nước thi tài, vừa giúp tạo nên sự hưng phấn cho VĐV, vừa để các em hiểu và yêu thích hơn đối với môn thể thao này để biết đâu, sẽ có thêm nhiều người tham gia tập luyện và cung cấp nguồn VĐV cho điền kinh VN.

Chưa hết, với quy định lệ phí thi đấu mỗi VĐV 200 ngàn đồng, số tiền BTC giải thu được vị chi là trên 80 triệu đồng, cộng thêm khoản thu niên liễm năm 2012 mỗi địa phương 1 triệu đồng chắc chắn sẽ là con số chẳng nhỏ. Thế nhưng, nhìn khắp các bãi ném đẩy, đường chạy, hố nhảy ở Khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình mới thấy một hoạt cảnh khá buồn cười: đội ngũ trọng tài mỗi người ăn mặc mỗi kiểu. Nam thì có người áo thun sọc ngang dọc, người áo sơ mi, người vận quần bò, người quần thể thao; giày thì xanh, trắng, đen đủ loại. Với nữ cũng rất… đa dạng, người thích thì cho áo vào quần, người để ngoài cho… mát; mũ nón người có, kẻ không. Đến độ một nữ HLV thuộc địa phương phía Nam tỏ ra bức xúc phải thốt lên: "Tôi không biết trong số người có mặt trên sân thi điền kinh, ai là trọng tài, ai là thợ cắt cỏ, thợ hồ. Mà cũng có khi BTC giải đã huy động các công nhân ở đây kiêm luôn việc "cầm cờ" cho giản tiện, vì chẳng ai đeo thẻ cho biết họ làm nhiệm vụ gì. Giải VĐQG mà tổ chức như cuộc thi ở… hội làng. Thật hết biết!".

Quả thật, hô hào chuyện "chuyên nghiệp" gì gì đấy sẽ là không tưởng nếu nhận thức từ các nhà tổ chức lại quá giản đơn đối với một sự kiện thể thao tầm cỡ cấp quốc gia.

THANH TÙNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét