Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Thả lồng sắt "niêm phong" tàu cổ Quảng Ngãi


(TTVH) – Để ngăn chặn nạn mò cổ vật của ngư dân, một  lồng sắt khổng lồ sẽ được thiết kế, hạ thủy và "trùm" ra ngoài tàu cổ Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Thông tin trên được TS Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật Việt Nam) đưa ra trong Hội nghị thường niên Khảo cổ học Việt Nam 2012. Theo đó, ngoài chức năng "phòng trộm", chiếc lồng sắt trên còn có vai trò bảo vệ cố định con tàu cổ này ở độ sâu 4 mét dưới biển trong thời điểm mùa biển động sắp tới gần.

"Sau khi xác định kích thước tàu, lồng sắt sẽ được đúc, hạ thủy và neo cố định bằng một hệ thống đá tảng buộc kèm. Năm 1999, khi trục vớt tàu cổ tại Cù Lao Chàm, chúng tôi cũng đã dùng biện pháp này" – ông Quân cho biết.

"Niêm phong" chờ khai quật!

Trước đó, từ 8/9, việc phát lộ con tàu chở đồ gốm sứ cổ Trung Hoa cách bờ biển Bình Châu 100 mét đã thu hút sự chú ý cao độ của dư luận cũng như… giới săn lùng cổ vật. Ngay sau đó, một số vò, chậu, lư hương… được vớt trộm từ con tàu đã xuất hiện trên thị trường đồ cổ Hà Nội và TP.HCM với mức giá 100 tới 150 triệu đồng cho mỗi món đồ.

TS Phạm Quốc Quân phân tích những mẫu cổ vật trên tàu Bình Châu

TS Phạm Quốc Quân cho biết: "Tin đồn ngư dân ở đây kiếm tiền tỷ từ con tàu này là có cơ sở. Ít nhất, chúng tôi biết 2 trường hợp người dân vớt  được nguyên vẹn một gánh hàng từ tàu. Mỗi gánh như vậy có 60 chiếc đĩa và lập tức được tiêu thụ với giá "bán buôn" 3 tỉ đồng".

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động cả công an và lực lượng biên phòng để phong tỏa tàu cổ 24/24 giờ. Tuy nhiên, trước những thông tin thất thiệt đang lan rộng, mối lo về nạn "hôi của" vẫn ám ảnh những chuyên gia khảo cổ, nhất là khi mà ngư dân trong vùng có tiếng là… lặn giỏi. Bởi thế, việc khảo sát và tiếp đó là "mặc giáp" cho tàu cổ đang được tỉnh Quảng Ngãi chú tâm hơn bao giờ hết. Trước mắt, 500 triệu đồng đã được địa phương này duyệt chi để các chuyên gia thực hiện cuộc khảo sát dưới nước này, dự kiến kéo dài 5 ngày từ hôm nay 28/9.

Cũng từ "sức nóng" của kho cổ vật trên tàu Bình Châu, liên tục 18 công ty và tổ chức cá nhân đã liên hệ với địa phương để xin thực hiện vụ khai quật thăm dò này. Kết quả, đơn vị "trúng thầu" là công ty Đoàn Ánh Dương – một công ty có thâm niên 9 năm khảo sát cổ vật biển tại Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Kiên Giang… Bảo tàng lịch sử Việt Nam được giao chức năng chủ trì cuộc khảo sát.

"Kích thước tàu và số lượng cổ vật hiện vẫn chưa thể xác định. Trước đây, chúng tôi cũng phải mất trọn 2 năm để khai quật và lấy về 15 vạn cổ vật trong con tàu dưới Cù Lao Chàm" – ông Quân nói về thời gian khai quật dự kiến. Theo lý thuyết, việc khai quật này rất khó thực hiện trong mùa biển động 3 tháng cuối năm, do đó gần như chắc chắn tàu cổ Bình Châu sẽ được tạm "niêm phong" sau đợt khảo sát thăm dò sắp tới.

Một số mẫu cổ vật từ tàu Bình Châu. Ảnh VNN

* Di vật của "con đường tơ lụa biển Đông"?

Thống kê từ các cổ vật đã… rò rỉ cho thấy đồ gốm sứ trên tàu cổ Bình Châu đều là đồ sứ Trung Hoa có niên đại Minh – Thanh (thế kỷ XIV, XV). Đặc biệt, toàn bộ số tiền cổ được vớt từ tàu lại mang niên đại thời Nam Tống  thuộc thế kỷ XII, XIII. (Trên lý thuyết, một số đồng tiền đúc từ thời Tống vẫn được sử dụng trong các thời đại tiếp sau). Bởi vậy, các chuyên gia khảo cổ cho rằng đây là con tàu cổ có giá trị văn hóa – lịch sử và…. kinh tế cao nhất từ trước tới giờ.

Cũng theo TS Phạm Quốc Quân, rất nhiều cổ vật trục vớt từ tàu mang vết cháy ở nhiệt độ cao, một số xâu tiền kim loại bị nung chảy và dính vào nhau khá chặt. Bởi vậy, giả thiết con tàu cổ này bị hỏa hoạn hoặc gặp hải tặc là có cơ sở.

Ông Quân cho rằng: "Thư tịch cổ đã nhắc tới giả thiết vùng biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thuộc Chiêm Thành cổ từng là một nơi trú chân và tham gia trao đổi hàng hóa của những tàu buôn Trung Hoa. Nếu nghiên cứu kỹ, hi vọng chúng ta sẽ tìm thêm được những thông tin về dấu vết của "con đường tơ lụa biển Đông" – tuyến hải trình được tàu buôn Trung Hoa thực hiện có đi qua vùng biển từ Hội An tới Bình Định ngày nay".

Được biết, một số đơn vị đã liên hệ với nhóm khai quật và đặt vấn đề được mua lại vỏ tàu cổ trong trường hợp còn tương đối nguyên vẹn. Về việc này, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học, cho rằng: "Nếu một đơn vị Nhà nước làm việc này thì quá tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kinh phí cho việc phục chế và bảo quản con tàu sau khi vớt lên từ nước mặn là đắt vô cùng. Trước đây, chúng tôi đã từng có kế hoạch tương tự với một con tàu nhỏ có kích thước 12 x 3 mét được vớt từ đáy sông của Hà Nội. Số tiền mà các công ty nước ngoài đưa ra cho việc này là… gần một triệu USD".

Chiêu Minh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét